Ngày 8/8, tuyến đường sắt đô thị (Metro) Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức vận hành. Đơn vị khai thác vận hành là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.
Ngày 8/8, tuyến đường sắt đô thị (Metro) Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức vận hành. Đơn vị khai thác vận hành là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.
Tên gọi chính thức của 8 nhà ga được đặt theo vị trí địa lý mà tuyến đi qua, gồm: Ga Nhổn, Ga Minh Khai, Ga Phú Diễn, Ga Cầu Diễn, Ga Lê Đức Thọ, Ga Đại học Quốc gia, Ga Chùa Hà, Ga Cầu Giấy. Không chỉ đáp ứng yêu cầu về công năng, kỹ thuật, mỗi nhà ga trên cao còn được thiết kế hình ảnh riêng để quảng bá, tôn vinh văn hóa của Thủ đô.
Như vậy, sau tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai ở Thủ đô được đưa vào hoạt động, cung cấp cho người dân một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh và hiện đại, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố.
Đúng vào khung giờ cao điểm buổi sáng, trên các tuyến đường hướng tâm từ Nhổn - theo Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với vành đai 2), lưu lượng phương tiện tăng cao thì tàu trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội nổi bật trên cao hiện đại, vun vút trên biển người và phương tiện. Từ ga cầu Giấy, rất nhiều hành khách, già có, trẻ có, từ học sinh, sinh viên đến cán bộ công chức, người lao động tự do, người nước ngoài… đã có mặt từ rất sớm để được lên tàu trải nghiệm.
Hồi hộp, phấn khởi nhìn ngắm khoang tàu khang trang, hiện đại, trong khi người chồng loay hoay chụp ảnh, chị Bùi Thị Hồng từ Tuyên Quang xuống Thủ đô cho biết: Nghe tin tàu đường sắt Nhổn – ga Hà Nội đi vào hoạt động, hai vợ chồng rất háo hức đến đây từ sớm. Lên tàu thấy rất đông người, cảm xúc dâng trào. Tàu chạy rất êm, thoáng mát, không bị tắc đường, rất thuận tiện cho người đi làm hoặc đi chơi.
“Giá vé 200.000 đồng/tháng đối với người đi lại thường xuyên là quá hợp lý, mức lương giáo viên như tôi đi lại như vậy là quá ổn”, chị Bùi Thị Hồng nói.
Lẫn trong những hành khách đứng trên tàu nhìn ngắm phố phường khi đoàn tàu lướt qua các ga, cậu bé Đỗ Hoài Nam, 13 tuổi, ở phố Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ hóm hỉnh: Hơn 10 năm từ ngày cháu ra đời tuyến đường sắt này đã bắt đầu được xây dựng cũng là hơn 10 năm mòn mỏi chờ đợi đến ngày khai trương nên cháu phải đi trải nghiệm xem thú vị như thế nào.
“Ga rất to, đồ sộ, tàu dài chở được rất nhiểu người, vận tốc nhanh, tối đa 80 km/giờ. Cháu sẽ rủ thêm nhiều bạn cùng đi trải nghiệm và mong muốn gần nhà có một tuyến như vậy”, cậu bé một mình bắt xe buýt để lên tàu Nhổn – ga Hà Nội bày tỏ.
Bước xuống tàu với nụ cười tươi rói, bà Noriko NISHIMURA, Trưởng Văn phòng đại diện Tokyo Metro Co.,Ltd tại Hà Nội hồ hởi cho biết: Lần đầu tiên được đi tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, bà thấy tàu rất sạch sẽ và chạy rất nhanh. Như vậy, giao thông Việt Nam sẽ ngày càng phát triển. Hà Nội tiếp tục xây thêm các tuyến đường sắt đô thị sẽ làm thay đổi bộ mặt của thành phố.
“Ở Nhật Bản có nhiều tàu điện ngầm chạy khắp nơi trong thành phố Tokyo, hiện nay, Hà Nội mới có 2 tuyến đường sắt trên cao. Tôi mong rằng Hà Nội tiếp tục có thêm tuyến thứ 3, thứ 4…và nhiều hơn nữa để người dân có thể đi khắp nơi trong thành phố, nhanh chóng, thuận tiện bằng tàu điện ngầm và đường sắt trên cao”, bà Noriko NISHIMURA nói.
Hàng trăm người xếp hàng tại các nhà ga để nhận vé miễn phí trong ngày đầu khai trương tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội. Tại quầy vé, các nhân viên nhà ga nhiệt tình hướng dẫn hành khách lên xuống ga đúng vị trí và hướng dẫn khách mua vé nhanh chóng, thuận tiện.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết: Hà Nội đang triển khai đề án tích hợp vé cho vận tải hành khách công cộng, xe buýt với đường sắt đô thị, sau này cả taxi và grab. Mới đây, thành phố đã tiến hành thử nghiệm đề án này.
Vé của tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội được thực hiện theo thiết kế của dự án, có tính mở, sau này có thể tích hợp được với các tuyến đường sắt đô thị khác, xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác. Tuy nhiên, vé tháng của tuyến đường sắt đô thị này khác với tuyến Cát Linh – Hà Đông là có nhận dạng nên phải đúng người thì mới có thể sử dụng được, hạn chế việc cho người nhà mượn vé.
Trong 15 ngày đầu khai trương, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội sẽ miễn phí cho hành khách. Trong buổi sáng đầu tiên hành khách lên tàu chủ yếu là người dân đi trải nghiệm, chưa có nhiều người là cán bộ công chức, nhân viên văn phòng đi làm, sinh viên đi học bằng phương tiện này.
“Cháu học Đại học Xây dựng và định ra Nhổn ở nên thử trải nghiệm xem việc đi học bằng tuyến đường sắt này có phù hợp không. Chứ giờ cháu ở Thanh Xuân phải bắt 2 tuyến buýt mới ra được ga Cầu Giấy để lên tàu nên hơi bất tiện. Mặt khác, trên tàu rất mát mẻ nhưng tại các nhà ga rất nóng, cần bố trí vài cái quạt mát để dịch vụ thêm hoàn hảo”, sinh viên Nguyễn Thi Huệ, K63 Đại học Xây dựng đề nghị.
Còn chị Phương Hà (quận Hoàng Mai) công tác tại một cơ quan thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng rất hài lòng sau khi trải nghiệm tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội cho biết: “Tôi được biết, trong quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị của thành phố có tuyến đi qua huyện Đông Anh để vào nội đô. Mong rằng tuyến này sớm được xây dựng để tôi chuyển nhà sang Đông Anh ở, tránh cảnh tắc đường, khói bụi diễn ra hàng ngày.
Thỏa lòng mong mỏi của chính quyền, ngành chức năng và người dân thành phố, “chớp mắt đã qua một ga, vượt 8,5 km chỉ mất 13 phút, thật tuyệt vời”, là nhận xét của nhiều hành khách sau khi trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, giá vé đi cả tuyến là 12.000 đồng có lợi cho hành khách, nhưng giá vé đi một ga 8.000 đồng/lượt thì hơi cao.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội được thiết kế đáp ứng yêu cầu về công năng, kỹ thuật và thẩm mỹ cao. Đoạn trên cao được vận hành từ Nhổn đến Cầu Giấy bao gồm 8 ga từ S1 đến S8, lần lượt là các ga: Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại Học Quốc Gia, Chùa Hà, Cầu Giấy. Hành khách có thể tiếp cận nhà ga trên cao bởi 4 lối lên xuống từ 4 hướng trên vỉa hè ở hai bên đường. Hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy tiện lợi cho cả người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Các nhà ga trên cao có thiết kế tổng thể hình cánh chim hòa bình. Mái kết cấu dạng chữ V với độ dốc tương đối lớn để có thể “tự làm sạch” khi trời mưa. Mặt bên của công trình nhà ga có sự kết hợp hài hoà giữa thảm cây xanh, hệ lam hắt chống nắng bằng vật liệu nhôm đúc nguyên khối và các tấm kim loại không gỉ đã được gia công tạo hình, đảm bảo sự thông thoáng cho khu vực công cộng của nhà ga.
Việc nạp tiền vào thẻ có thể được thực hiện thông qua các ứng dụng ngân hàng hoặc trực tiếp tại quầy bán vé. Mỗi nhà ga trên cao còn được thiết kế hình ảnh riêng để quảng bá, tôn vinh văn hóa của Thủ đô. Mọi lối lên khu vực đi tàu đều có biển chỉ dẫn. Công tác phòng cháy chữa cháy cũng được hoàn thiện và trải qua nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt.
Trong 3 tháng đầu, đơn vị vận hành sẽ mở tuyến từ 5 giờ 30 phút để đón khách và kết thúc vào lúc 22 giờ hàng ngày, tàu chạy đều đặn 10 phút/chuyến. Riêng ngày đầu tiên vận hành (8/8), tàu bắt đầu đón khách từ 8 giờ. Trong thời gian tiếp theo, tùy theo nhu cầu hành khách, đơn vị vận hành sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến. Trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội.
Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được HĐND thành phố Hà Nội thông qua ngày 29/3, Hà Nội định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch cũ. UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng xong 96,8 km và hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư 301 km đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư 14,602 tỷ USD.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, với các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng.
Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông cho thành phố.